Thông tin trên vừa được tập đoàn Novaland bất ngờ công bố về kế hoạch niềm yết cổ phần, dự kiến vào đầu tháng 12/2016 với báo chí. Đây là đợt phát hành cổ phiếu sơ cấp thông qua chào bán riêng lẻ cho một số nhà đầu tư lựa chọn.
Đang gấp rút hoàn thiện thủ tục
Để thức hiện kế hoạch niêm yết này, từ nay đến khi niêm yết Novaland sẽ tổ chức một số cuộc roadshow giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng và giá trị doanh nghiệp. Song song đó, tập đoàn này sẽ thực hiện đợt phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tài chính có uy tín và tiềm lực. Khi Novaland lên sàn thì sẽ thực hiện theo đúng yêu cầu của pháp luật về công bố thông tin, đảm bảo nhu cầu thông tin của nhà đầu tư quan tâm.
Theo đại diện của Novaland, phần lớn nguồn thu từ đợt phát hành này sẽ được dùng để phát triển một số dự án (hiện tại và dự án mới), một phần để bổ sung nguồn vốn lưu động, ngồn vốn dự phòng và có thể thanh toán bớt các khoản nợ hiện hữu của công ty.
Ông Phan Lê Hoà, Giám đốc thị trường vốn và quan hệ đầu tư của Novaland, cho biết sau khi niêm yết công ty dự kiến tỷ lệ cổ phần tự do chuyển nhượng sẽ vào khoảng 20-25%, đến đợt phát hành cổ phần riêng lẻ này, việc chuyển đổi các công cụ tài chính mà Novaland đã huy động trong giai đoạn trước, cũng như cơ cấu sở hữu tự do hiện tại (không thuộc sở hữu của chủ tịch tập đoàn và những người liên quan).
"Với mục tiêu trở thành tập đoàn BĐS hàng đầu trong nước và khu vực, bước đầu Novaland phải tiến hành là trở thành một công ty đại chúng. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán TP.HCM vào cuối năm nay. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho kế hoạch này hơn 2 năm qua, chuyển hoá những vấn đề liên quan đến tài chính, tái cơ cấu bộ máy, đến huy động thêm các nguồn vốn từ những nhà đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước... ", ông Hoà nói.
Theo lộ trình, tháng 11 Novaland sẽ nộp hồ sơ lên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, dự kiến trong 6-8 tuần sẽ nhận được sự phê duyệt chấp thuận cho việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ này, từ đó Novaland tiến hành niềm yết lên sàn để trở thành một công ty minh bạch hơn, tạo ra kênh mới huy động vốn cho nhiều dự án mới, thực hiện chiến lược M&A. Bởi vì chiến lược phát triển của Novaland là phải nắm giữ hoặc 100% hoặc 99% quyền sở hữu một dự án BĐS.
Không xác định đối tác chiến lược
Cũng theo ông Hoà, từ trước đến nay để có nguồn vốn đầu tư và phát triển vững mạnh, Novaland đã xây dựng chiến lược huy động khoảng 200 triệu USD. Theo đó, trong năm 2015 Novaland đã huy động gần 50 triệu USD, trong đó có 3 nhà đầu tư chiến lược là Dragon Capital; Vinacapital và một nhà đầu tư tài chính trong nước tham gia cùng đợt phát hành ưu đãi chuyển đổi này.
Từ tháng 7/2015 đến nay, Novaland đã làm việc với khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà đầu tư từ Mỹ, Singapore, Nhật, HongKong, Thái Lan... Bên cạnh đó, Novaland cũng đã tiếp cận nhiều ngân hàng lớn trên thế giới và thời gian qua cũng nhận được những khoản tài trợ để phát triển dự án thông qua hình thức mua trái phiếu chuyển đổi của Novaland.
Tính đến nay, Novaland đã huy động thêm hơn 60 triệu USD từ hai nhà đầu tư đến từ Thuỵ Sỹ và HongKong. "Với đà này, cộng với việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới thì mục tiêu đạt được con số 200 triệu USD là nằm trong tầm tay và khả thi. Chúng tôi tự tin với nguồn vốn mới này, Novaland sẽ có đủ tiềm lực tài chính để tăng trưởng trong giai đoạn tới, đặc biệt là kế hoạch lọt vào nhóm VN30", ông Hoà trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Về vấn đề định giá doanh nghiệp, theo ông Hoà, vào thời điểm niêm yết, Novaland sẽ niêm yết 100% cổ phần đang lưu hành. Cho đến thời điểm hiện nay, vốn điều lệ của Novaland là 5.220 tỷ đồng, sau khi phát hành số vốn sẽ tăng lên xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, với số lượng phát hành là 52,2 triệu cổ phần và cộng thêm số cổ phần ưu đãi chuyển đổi. Đặc biệt, những người sáng lập tập đoàn hiện nay đều nắm giữ 51% cổ phần, do vậy sau khi lên sàn thì tỷ lệ nắm giữ của những thành viên này sẽ không thấp hơn mức đó.
Ngoài ra, Novaland cũng đã tính đến việc phát hành cổ phiếu thưởng (ISOP) nhưng sẽ tuỳ thuộc vào quyền quyết định của Hội đồng quản trị sau khi niêm yết. Chính sách chia cổ tức cho các cổ đông vẫn đang được tính toán, nhưng tốc độ tăng trưởng của tập đoàn đang khá tốt nên Hội đồng quản trị sẽ cơ cấu nguồn tài chính để chi trả cổ tức.
"Ít nhất Novaland đã có thị phần lớn trên thị trường địa ốc, duy trì và ổn định tình hình tài chính, đảm bảo các dự án được hoàn tất đúng hoặc vượt tiến độ đề ra... Từ những việc đó sẽ dẫn đến cơ cấu doanh thu, lợi nhuận và mức tăng trưởng hàng năm sẽ ổn định và bền vững. Như vậy, với việc minh bạch trong hoạt động quản trị chúng tôi cũng muốn các nhà đầu tư hiểu rõ hơn hoạt động kinh doanh, định hướng phát triển của Novaland. Tập đoàn có sử dụng các đơn vị định giá trong và ngoài nước (SSI và Viet Capital Securities) để tiến hành thẩm định, đưa ra mức giá phù hợp với thị trường", ông Hoà tiết lộ.
Tuy nhiên, do chưa chốt được con số cuối cùng vì vẫn còn tiến hành định giá, nhưng ông Hoà cũng cho biết thêm rằng Novaland đang được định giá vào mức cận trên trong mức định giá của thị trường hiện nay từ 800 triệu USD đến 1,4 tỷ USD.
Khi được hỏi về cổ đông chiến lược, đại diện tập đoàn này cho biết thời gian qua Novaland cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính khá mạnh, trong đợt niêm yết này Novaland sẽ mở rộng không giới hạn cho các nhà đầu tư các nước.
"Chúng tôi biết một doanh nghiệp BĐS luôn cần vốn tốt để phát triển ổn định, do vậy chúng tôi sẽ không bỏ quên một đối tác nào. Trong đợt niêm yết này chúng tôi kỳ vọng sẽ huy động được nguồn vốn từ các tập đoàn tài chính hùng mạnh, dựa vào thành quả hàng chục năm qua của chúng tôi", ông Hoà nói.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ
15h18 | 22/11/2024
17h07 | 13/06/2024
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG