Takahiro Suzuki, đối tác quản lý chịu trách nhiệm thị trường Đông Nam Á tại Quỹ Genesia Ventures từng làm thành viên BoD (Board of Directors: ban giám đốc, hội đồng quản trị) của Tokopedia - start-up thương mại điện tử dẫn đầu tại Indonesia, là “siêu kỳ lân” khi được định giá trên 10 tỷ USD từ năm 2011.
Thời điểm Takahiro Suzuki vào Tokopedia, start-up này chỉ có hơn 30 người, nhưng đã gặp nhiều vấn đề về quản lý kém hiệu quả. Với tư cách là thành viên BoD, anh trực tiếp cùng mọi người tập trung xây dựng tổ chức, thông qua việc làm rõ tầm nhìn chiến lược của công ty, xây dựng hệ thống quản trị, văn hóa doanh nghiệp...
Anh dành nhiều tâm huyết, khi trực tiếp cùng với các nhà sáng lập, cùng nói chuyện với các nhân viên mới, đội ngũ quản lý và ban lãnh đạo để cùng đưa ra những giá trị văn hóa, tổ chức của start-up này.
Takahiro Suzuki đã truyền cảm hứng cho rất nhiều “hậu bối” trong giới đầu tư vào start-up trong bối cảnh nhiều BoD tại một start-up đang vận hành kém hiệu quả.
Các nhà đầu tư cho rằng, trách nhiệm quan trọng của BoD ở start-up được thể hiện qua nhiều yếu tố. Họ là những người được chọn tham gia để cùng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của start-up, bao gồm: phát triển định hướng chiến lược và đặt ra mục tiêu chung, đi cùng với tầm nhìn và sứ mệnh của start-up… Bên cạnh đó, họ cũng cần là người có năng lực đóng góp trong việc tuyển dụng, giữ chân, đánh giá nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của start-up.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là họ cùng thiết lập hệ thống quản trị doanh nghiệp của start-up; cùng giám sát, đảm bảo nguồn lực của start-up được phân bổ hợp lý và đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các cổ đông start-up nói chung. Họ cũng sẽ cùng tham vấn các hoạt động liên quan tới tài chính, như huy động vốn, kế hoạch thu chi...
Gregg Adkin, Phó chủ tịch, CEO Dell Technologies Capital cho rằng, trách nhiệm của BoD chính là cùng với nhà sáng lập start-up, đặt câu hỏi và tìm câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng xoay quanh vấn đề phát triển chiến lược; lựa chọn và giữ chân đúng người; phát triển thương hiệu; quản lý tài chính; thiết lập hệ thống quản trị cho start-up.
Việc lựa chọn BoD cho start-up không đơn giản. Rất nhiều start-up đã chọn sai người tham gia làm thành viên BoD.
Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, đại diện Genesia Ventures, có nhiều việc quan trọng các nhà sáng lập cần làm trước khi chọn ứng viên BoD cho start-up của mình.
Đầu tiên, start-up cần hỏi ứng viên về đường hướng phát triển trong tương lai, xem họ có hiểu và phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu chung của start-up không.
Thứ hai, hỏi ứng viên về mục tiêu và lý tưởng cuộc đời của họ, để tìm hiểu những tác động nào mà họ có kỳ vọng sẽ đóng góp được cho start-up; dành thời gian tìm hiểu tính cách, phong cách quản lý của người đó, xem có phù hợp với kỳ vọng của nhà sáng lập hay không.
Thứ ba, hỏi ứng viên về những giá trị cụ thể họ có thể đóng góp cho sự phát triển chung của start-up.
Một trong những dấu hiệu để nhận diện một BoD kém hiệu quả tại start-up là có quá nhiều người trong BoD, khó có thể “điều hoà” các tiếng nói. Để đảm bảo sự đa dạng về quan điểm trong khi vẫn giữ được sự kỷ luật, sự tập trung, sự gắn bó và cam kết cao, thì 5 người là con số hợp lý cho các start-up ở giai đoạn sớm cho đến series B, và 7 là con số phù hợp cho các công ty ở giai đoạn tiếp theo tới giai đoạn trước khi IPO.
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG