Tin Tức - Thời Sự

Luật Hỗ trợ DNNVV: Cần thiết nhưng có khả thi?

Đăng lúc: 21h04 | 19/10/2016
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 6-10-2016, dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được đưa ra xem xét và thảo luận.

Nhiều chính sách mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Dự thảo luật này đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV còn 17% (giảm 3 điểm phần trăm), doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có dưới 10 lao động) còn 15% (giảm 5 điểm phần trăm). Chính phủ sẽ cấp bù lãi suất để hỗ trợ các ngân hàng cho DNNVV vay (mức cụ thể tùy từng thời kỳ).

Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định đối với danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như mức áp dụng đối với dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế cho DNNVV thuê trên 30% diện tích (đối với cụm công nghiệp là 50%) thì được giảm tiếp 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; các gói thầu xây lắp dưới năm tỉ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ dưới 3 tỉ đồng chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phản đối cho rằng các chính sách này đang xung đột với các luật hiện hành về thuế, tín dụng, đất đai...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra một điểm quan trọng là theo báo cáo của đại diện Bộ Tài chính, tính toán sơ bộ toàn bộ các nội dung ưu đãi, miễn giảm thuế theo các quy định của dự thảo luật sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu 9.388 tỉ đồng/năm, mâu thuẫn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về việc không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế.

Tờ trình của Chính phủ cũng chưa làm rõ được thời gian ngân sách nhà nước sẽ cân bằng thu, chi. Tuy nhiên, hỗ trợ về thuế là hỗ trợ chủ yếu và thiết thực đối với doanh nghiệp. Hỗ trợ thuế không đồng nghĩa với thất thu ngân sách mà sẽ được bù thu nhờ số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh, ngân sách sẽ tăng thu mạnh hơn trong thời kỳ doanh nghiệp phát triển.
Cũng có ý kiến cho rằng các chính sách miễn giảm thuế không nên quy định cứng trong luật này, mà để ở các nghị quyết miễn, giảm thuế hàng năm của Quốc hội để linh hoạt hơn, phù hợp với thực tế ở từng thời điểm.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy mạnh các hộ kinh doanh chuyển sang thành lập doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất các trường hợp này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài trong hai năm đầu, được áp dụng chế độ kế toán đơn giản cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, được miễn phí sử dụng phần mềm kế toán, được miễn phí tham gia các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp...

Riêng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, được xóa nợ thuế khi làm thủ tục giải thể, phá sản. Ngoài ra, các DNNVV còn được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ từ nhu cầu thông tin, vay vốn, nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực, liên kết, quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường... trong các chương trình hỗ trợ cụ thể nếu đáp ứng đúng điều kiện.

Liệu có khả thi?

Nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của các chính sách này.
Dự thảo luật còn nhiều quy định chung chung, mang tính “khẩu hiệu”, chưa chỉ rõ chính sách hỗ trợ cụ thể, khái niệm không rõ ràng, như “doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, “doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, “cụm liên kết ngành”, “chuỗi giá trị”, “hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Các khái niệm mới dường như được sao chép từ kinh nghiệm nước ngoài, nhưng nội hàm chung chung, không chỉ ra được tiêu chí cụ thể thì không thể xác định chính xác đối tượng hỗ trợ.

Nhiều quy định chung chung về “Nhà nước hỗ trợ...” nhưng không rõ Nhà nước là cơ quan nào, hỗ trợ như thế nào nên e rằng chính sách này chỉ nằm trên giấy và không đi vào cuộc sống được. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ nhiều vấn đề trong dự thảo luật như quy định về hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường, hỗ trợ tham gia mua sắm công...
Các ủy ban của Quốc hội cũng lo ngại về khả năng các biện pháp hỗ trợ có vi phạm các quy định về chống trợ cấp của WTO, về chống bán phá giá của WTO và TPP hay không. Một số ý kiến cho rằng, dự luật này còn chưa khả thi do đối tượng điều chỉnh quá rộng, khoảng 97,9% là DNNVV trong khi nguồn lực nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ tất cả, cần tránh việc các chính sách hỗ trợ này bị lợi dụng thành lập doanh nghiệp để nhận hỗ trợ rồi giải thể, thành lập nhiều công ty con để đủ điều kiện nhận hỗ trợ, không muốn trở thành doanh nghiệp lớn để tiếp tục nhận hỗ trợ...

Việc phân loại thành doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có nhiều ý kiến khác nhau (về các tiêu chí phân loại theo lao động, nguồn vốn hay doanh thu). Có ý kiến băn khoăn doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, không phân biệt vốn có thực sự là doanh nghiệp siêu nhỏ, cần được hỗ trợ hay không.

Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng việc ban hành luật này là cần thiết nhưng chưa đủ để thực sự hỗ trợ DNNVV phát triển. Ủy ban này đề nghị bên cạnh Luật hỗ trợ DNNVV, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và công dân.

Minh Quang

Bình luận





Tin cùng danh mục
Diệp Lê tái xuất Shopee Live với phiên live 12 tiếng siêu khủng, "bung xõa" deal hời từ hơn 200 nhãn hàng uy tín

11h24 | 08/04/2024

BBB Group gia nhập thị trường Thái Lan với dự án Hàng Không

20h32 | 11/04/2023

Thời trang BabyLoo & Twin nhận giải thưởng Thương hiệu mạnh tại Dinh Độc Lập TPHCM

16h43 | 10/01/2023

BBB Group làm chủ đầu tư dự án Averest Diamond tại Thái Lan

12h01 | 07/12/2022

Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG