Sôi sục tỷ USD
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục đón nhận một kỷ lục mới: 268 triệu cổ phiếu của CTCP Vinhomes (VHM), trị giá 1,35 tỷ USD được chuyển nhượng chỉ trong một phiên giao dịch, trong đó 249 triệu VHM được các nhà đầu tư nước ngoài mua.
Thông tin từ Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cho thấy, các cổ đông nước ngoài mua hàng trăm triệu cổ phiếu Vinhomes trong phiên giao dịch ngày 18/5 đều là các tổ chức lớn như: Capital Group, Avanda Investment Management Pte, Wadded & Reed, JPMorgan Asset Management, Dragon Capital, và KIMC.
Đây là kỷ lục mới trên TTCK và cũng là dòng vốn ngoại lớn chưa từng có đổ vào một cổ phiếu Việt trong một đợt giao dịch.
Vinhomes là doanh nghiệp được tách ra từ Tập đoàn Vingroup và công ty thành viên để phát triển và quản lý mảng bất động sản. Trước khi lên sàn, Vinhomes có hai cổ đông lớn là công ty mẹ Tập đoàn Vingroup (VIC) nắm 69,66% và quỹ GIC của Singapore nắm 5,74%.
Trước đó, giới đầu tư chứng khoán cũng đã chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài chi gần 1 tỷ USD mua hơn 164 triệu cổ phiếu Ngân hàng Techcombank ở mức giá 128.000 đồng/cp. Dự kiến, cổ phiếu của Techcombank sẽ bắt đầu giao dịch trên HOSE ngày 4/6 tới, với mã cổ phiếu là TCB.
Các nhà đầu tư lớn như từ Mỹ, Anh, Singapore,... như Dragon Capital, HSBC, GIC,... cũng đã đầu tư nhiều vào các doanh nghiệp lớn trước đó như vụ rót 740 triệu USD vào Vincom Retail, một doanh nghiệp quản lý mặt bằng bán lẻ của Vingroup,...
Riêng Vingroup, trong 6 tháng qua, đã lập 2 kỷ lục vào hút hơn 2 tỷ USD từ các cổ đông lớn đến từ nước ngoài.
KKR của Mỹ đầu tư thêm 250 triệu USD vào Tập đoàn Masan và Công ty Masan Nutri - Science sau khi đã rót khoản 359 triệu USD vào Masan Consumer, một công ty con của Tập đoàn Masan, chuyên sản xuất nước mắm trong giai đoạn 2011-2013, trước khi thoái vốn hoàn toàn vào đầu năm 2016.
Vụ doanh nghiệp của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đầu tư 5 tỷ USD để mua 53,59% cổ phần Sabeco của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam, cũng đã diễn ra ngay hồi cuối 2017.
Dòng tiền tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam bất chấp xu hướng bán ròng trên TTCK vẫn đang tiếp tục bước sang tháng thứ 3 liên tiếp. Những thương vụ lớn của Vincom Retail và Vinhomes đã khiến niềm tin vào thị trường tăng mạnh.
Đích đến của dòng vốn ngoại
Mặc dù dòng vốn ngoại đổ vào là rất lớn nhưng thanh khoản trên TTCK vẫn đang xu hướng suy giảm. Trừ những phiên giao dịch đột biến như hôm 18/5 vừa qua (với 1,35 tỷ USD đến từ các giao dịch của cổ phiếu Vinhomes), trong các phiên giao dịch khác, giá trị giao dịch đã tụt xuống quanh ngưỡng 5.000 tỷ đồng, thay vì bình quân 8.000-10.000 tỷ đồng/phiên như hồi đầu năm. Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho biết, TTCK đã giảm khoảng 15% và đã có dấu hiệu ngừng giảm nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Khối ngoại vẫn đang bán ròng và có khả năng tiếp tục bán ròng do các tổ chức đang cơ cấu lại danh mục đầu tư, theo hướng rút tiền từ các thị trường mới nổi về Mỹ khi lãi suất và đồng USD có xu hướng tăng lên.
Theo ông Tuấn, dòng vốn ngoại tỷ USD đổ vào các doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Vincom Retail, Techcombank… vừa rồi là tích cực nhưng đây là dòng vốn của đối tác chiến lược, tiền vào doanh nghiệp chứ không ra thị trường, là đầu tư dài hạn 5-10 năm.
Theo ông Tuấn, dòng tiền đó vào các doanh nghiệp lớn nhưng không đổ ngược lại TTCK, như vụ 5 tỷ USD là vào ngân sách, tiền tỷ USD vào Vinhomes là để Vingroup lấy tiền làm dự án khác…
Như tại Vingroup, nguồn vốn lớn cho thể được dùng để thực thi một chiến lược mới vừa được Vinhomes công bố, sau khi đã thành công với một loạt các dự án lớn trong nội thành các thành phố lớn như: Vinhomes Times City - Park Hill, Vinhomes Royal City (Hà Nội) hay Vinhomes Central Park (TP.HCM)…
Sở dĩ Vinhomes hấp dẫn với khối ngoại một phần là ở chiến lược xây dựng các đô thị vệ tinh, giải quyết một vấn đề mà nhiều quốc gia gặp phải: Quá tải hạ hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và thiếu hụt nguồn cung nhà ở…
Dòng vốn ngoại tỷ USD không quay lại giao dịch trên TTCK để đẩy thanh khoản hàng ngày. Tuy nhiên, nó cho thấy một thực tế là không ít các doanh nghiệp Việt thực sự hấp dẫn đối với các ông lớn ngoại.
Các thương vụ khủng như vụ 1,35 tỷ USD của Vinhomes hay 740 triệu của Vincom Retail trước đó là tín hiệu cho thấy, doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tham gia mạnh vào thị trường vốn quốc tế.
Đa phần báo cáo đánh giá của các CTCK gần đây đều cho rằng, triển vọng của TTCK Việt Nam về dài hạn là tươi sáng. Mặc dù vậy, sau một thời gian tăng dữ dội trong cả năm 2017 và quý 1/2018, thị trường cần điều chỉnh. Quá trình tạo đáy và tích lũy đủ năng lượng để tăng trở lại cần thêm thời gian.
Trong năm 2017, TTCK Việt Nam đã có một bước tăng trưởng nhảy vọt. Chỉ số VN-Index tăng khoảng 48%, từ mức 668 điểm đầu năm lên 970 điểm vào cuối năm sau tròn một thập kỷ giảm giá và đi ngang sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Trong quý 1/2018, VN-Index tăng thêm hơn 12% trước khi lập đỉnh cao mọi thời đại 1.204,33 điểm vào ngày 9/4/2018. Từ đó tới nay, thị trường đã giảm khoảng 15%, đa số các mã lớn đã giảm khoảng 20%, một số mã giảm tới 50%.
M. Hà
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG