Làm "bảo mẫu" bất đắc dĩ ở tuổi 18
Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bảo Trâm (18 tuổi, TPHCM) quyết định đăng ký làm tình nguyện viên, hỗ trợ công việc tại khoa Sản, bệnh viện Hùng Vương. Khi nghe cô con gái nhỏ bày tỏ nguyện vọng, bố mẹ Trâm vô cùng ngạc nhiên, xen lẫn lo lắng vì sợ con gặp nguy hiểm. Nhưng với sự quyết tâm của mình, cô đã thuyết phục gia đình và tham gia tình nguyện với tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ.
"Em đã tiêm một mũi vắc xin, lại không có bệnh nền nên đáp ứng đủ tiêu chí ứng tuyển. Việc ba mẹ lo lắng cũng là điều dễ hiểu do trước giờ em chưa từng xa nhà lâu, hơn nữa tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp. Từ ngày 25/8 đến ngày 31/8, em chính thức tham gia công việc tại khoa Sản, chuyển tới khu vực sinh hoạt chung cho tình nguyện viên ở gần bệnh viện".
Nhiệm vụ hằng ngày của cô gái 18 tuổi là đảm nhận chăm sóc các sản phụ âm tính hoặc nghi nhiễm Covid-19. Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc bà bầu, em bé sơ sinh nên Trâm có phần lúng túng, loay hoay. Nhưng cô may mắn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người nên ngày càng thành thục hơn khi làm việc.
Theo lời kể của Bảo Trâm, các bé sơ sinh tại đây sau khi sinh sẽ được tách riêng ra khỏi mẹ để giảm khả năng lây nhiễm Covid-19. Trâm rưng rưng xúc động khi chứng kiến cảnh các em bé phải tách khỏi mẹ khi vừa mới ra đời. Cô cũng cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng trong thời khắc phụ nữ vượt cạn, "mẹ tròn con vuông". Với Trâm, quãng thời gian làm tình nguyện viên tại khoa Sản giúp cô trưởng thành hơn rất nhiều.
"F0 cần nhất sự lạc quan"
Sau một thời gian làm việc, Trâm không may nhiễm Covid-19. Lúc nhận tin, cô gái 18 tuổi khá hoang mang và hụt hẫng vì bản thân không có bất cứ triệu chứng nào cả. Vượt qua cảm giác ban đầu, cô thu xếp đồ đạc để tới bệnh viện Dã chiến số 8 (TP Thủ Đức) để điều trị.
4 ngày đầu tiên Trâm có triệu chứng ho, sốt nhẹ, bắt đầu mất vị khác và khứu giác. Cô duy trì uống Vitamin C mỗi sáng, phơi nắng 1 - 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. "Nếu không may trở thành F0 thì cũng đừng quên tập thể dục, phơi nắng. F0 cần nhất là sự lạc quan, đừng để bản thân suy sụp và hãy nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Ở bệnh viện dã chiến thoải mái hơn những gì em tưởng tượng, không gian sạch sẽ và thoáng mát lắm.
Mọi người quan tâm lẫn nhau, đối xử bằng sự chân thành, niềm nở. Có hôm còn ca hát, kể chuyện cho nhau nghe, tình cảm cứ thế được bồi đắp từng ngày. Nhớ nhất là đêm cả phòng nhận kết quả âm tính, mọi người vui lắm, tổ chức tiệc chia tay nhau và chúc nhau những gì tốt đẹp nhất ở hành trình tiếp theo".
Ngày 9/9, Trâm nhận kết quả âm tính với Covid-19. Thay vì trở về nhà để nghỉ ngơi, dưỡng sức, Bảo Trâm xin làm tình nguyện viên hỗ trợ các sản phụ F0 tại khu K1, bệnh viện Hùng Vương.
Khỏi Covid, tình nguyện ở lại chăm sóc các F0
"Em muốn sống một tuổi trẻ thật rực rỡ, bởi thế khi khỏi bệnh em muốn thêm một lần nữa được cống hiến. Sau đó, em được chuyển đến khu K1 - nơi cách ly các bệnh nhân F0 có triệu chứng nặng. Ở đây thì công việc phức tạp hơn lần trước, nhưng em không ngại điều đó, chỉ mong bản thân góp phần cùng mọi người sớm đẩy lùi dịch bệnh mà thôi", Trâm kể.
Công việc của Trâm bắt đầu lúc 7h30 mỗi ngày. Ngoài các công việc cơ bản như trước đây, Trâm kiểm tra bình oxy, lau người cho F0, chuyển bệnh nhân tới bệnh viện dã chiến, dìu họ đi lại... Buổi trưa Trâm nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng rồi tiếp tục công việc. những hôm trực đêm cô làm việc từ 16h30 đến 7h30 ngày hôm sau. Dù công việc có cường độ cao, áp lực lớn nhưng cô gái này vẫn luôn giữ được tinh thần yêu đời, cái nhìn lạc quan.
"Trải qua quãng thời gian này em mới nhận ra những điều giản dị nhưng quý giá đời thường. Em sợ nghe tiếng còi báo động đỏ, vì đó là khi có bệnh nhân đang nguy kịch. Chúng ta nên dành thời gian yêu thương nhau nhiều hơn, đừng để đến khi mất đi rồi mới hối tiếc, bởi cuộc sống này vốn ngắn ngủi lắm. Em học được những kiến thức y tế và học được cách yêu thương bản thân cùng những người xung quanh nhiều hơn", Trâm bộc bạch.
Tuệ Nhi
09h29 | 12/04/2023
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG