Người già, trẻ nhỏ hàng ngày lội suối 

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi phải vượt qua những con đường cheo leo trên đỉnh núi cao vút mới có thể tiếp cận được thôn Mỏ Trong, xã An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 1.

Để vào được thôn Mỏ Trong, cách duy nhất là vượt qua con sông lớn quanh năm nước giữ ở mức cao.

Thời tiết mưa gió càng khiến việc di chuyển vào thôn vùng cao này khó khăn hơn bao giờ hết. Con đường lấm lem bùn đất, những ngày giữa tháng 8 mưa gió liên miên, chốc chốc lại có một bạt cây bạch đàn lớn lưng chừng núi bị gió quật gãy đôi đổ rạp xuống cả một đoạn đường dẫn vào thôn. 

Đã mấy chục năm nay, dù là bất kỳ ai khi muốn vào thôn Mỏ Trong chỉ có một cách duy nhất là lội qua con sông lớn ở đầu làng. Con sông này quanh năm nước luôn ở mức cao, chia cắt thôn Mỏ thành 2 khu vực. Người dân gọi phía bên trong con sông là thôn Mỏ Trong, một nửa thôn phía ngoài con sông là thôn Mỏ Ngoài. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 2.

Cây cầu đang được xây dựng là niềm mơ ước của cả thôn xóm đã mấy chục năm nay, trong lúc cầu đang được xây dựng, người dân vẫn phải hàng ngày lội qua sông để ra khỏi "lũy tre làng".

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 3.
 
Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 4.
 
Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 5.

Hàng ngày, người dân phải lội qua sông, đến bờ bên kia lấy xe máy rồi đi ra ngoài xã An Châu mua bán.

Cả thôn Mỏ Trong có khoảng 40 nóc nhà. Từ người già đến người trẻ và các em nhỏ hàng ngày đi học đều phải vượt qua con sông này khi nước cạn. 

Quanh năm vượt sông khổ cực, phần cũng vì thương các cháu nhỏ hàng ngày lội suối đối mặt với nguy hiểm để đi học con chữ, người dân đã tự chung tay xây dựng một chiếc cầu tạm bợ để vượt sông. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 6.

Người dân thôn Mỏ Ngoài thì hàng ngày lội ngược suối vào thôn Mỏ Trong để đi làm.

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 7.

Do đi lại bất tiện nên người dân thôn Mỏ Trong thường ra mua nhiều thứ gánh về cho bõ công đi.

Cầu tạm dựng lên, người dân đi lại được vài hôm thì mưa bão ập đến cuốn hết không còn cả cái móng cầu. Từ đó hàng ngày, người dân trong thôn lại lội sông. Nước cạn thì lội qua, nước lớn thì nhờ người chèo thuyền đưa qua, nước lớn hơn nữa thì người dân ở nhà đợi nước cạn. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 8.
 
Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 9.

Mỗi khi người dân đi làm ở thôn Mỏ Trong trở về thường phải có người đứng ở bờ sông đón do đoạn đường từ sông ra thôn Mỏ Ngoài khá xa.

"Mấy chục năm nay, chúng tôi vẫn hàng ngày vượt sông để ra ngoài thôn. Nước nhỏ thì còn lội qua được, các cháu đi học thì người lớn dắt qua nhưng chỉ cần một trận mưa là nước dâng lên nhanh lắm. Khi ấy chỉ có nhờ người chèo thuyền đưa qua", ông Vũ Đình Văn (48 tuổi), một người dân trong thôn Mỏ Trong cho biết. 

4 năm tình nguyện đưa đón người dân thôn Mỏ Trong vượt lũ 

Công việc chính của người dân thôn Mỏ nói chung chỉ quanh năm với con trâu, cái cày. Hết thời vụ thì lại lên rừng làm nương rẫy, trồng cây ngô, cây sắn kiếm thêm thu nhập. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 10.

Trước khi băng qua sông, người dân thường kéo ống quần lên thật cao để tránh bị ướt.

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 11.

Việc mang một vài quả na vượt sông để cho con cho cháu chưa bao giờ là điều dễ dàng với những người lớn tuổi.

May mắn hơn thôn Mỏ Trong, người dân thôn Mỏ Ngoài không phải hàng ngày vượt suối để ra xã An Châu nhưng họ lại hàng ngày phải vượt suối đi vào thôn Mỏ Trong để làm ruộng, làm nương rẫy. 

Mỗi khi mưa lớn nước con sông dâng cao, cả cái thôn nhỏ lại cô lập. Thôn Mỏ Trong thì không ra được ngoài, thôn Mỏ Ngoài cũng ở nhà chơi đợi nước rút vì không thể đi làm. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 12.
 
Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 13.

Khi đã vượt sông vào được thôn Mỏ Trong, người dân lại đi bộ vài trăm mét để về đến nhà.

Ông Lý Văn Ba (50 tuổi) là một người dân thôn Mỏ Ngoài, ông có cái thuyền nhôm nhỏ xíu chòng chành hay đi đánh bắt cá trên con sông. Mỗi khi người dân cần qua sông mùa nước lớn lại gọi nhờ ông chở qua, dần dần ông cũng chẳng biết mình được gắn cái tên "người đưa đò" từ lúc nào. 

"Nước nhỏ thì người dân lội qua đi lại được nhưng nước lớn dâng lên thì không có cách nào qua sông được, mỗi người một việc đi đây đi kia, mình không chở qua thì nhỡ hết việc", ông Ba cười nói. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 14.

Mỗi khi vận chuyển đồ vật nặng, người dân phải có người thân hỗ trợ đẩy xe máy vượt sông.

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 15.

Sau khi đẩy xe máy qua sông, người dân lại quay trở lại thôn vác đồ lội qua.

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 16.

Nhiều người dân liều mình bất chấp nguy hiểm lao xe máy qua sông.

Dần dần, ông sắm 2 cái thuyền để khi nước rút thì đánh cá trên con sông. Nước lớn thì ông chở người dân, chở các cháu học sinh qua sông đi học. 

Khi hỏi giá mỗi chuyến đò qua nước lũ ông Ba Cười: "Tình làng nghĩa xóm với nhau, mình giúp được hàng xóm, giúp được các cháu đi học là mình vui chứ ai nỡ lấy tiền. Giúp nhau vượt khó là chính thôi các chú ạ". 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 17.
 
Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 18.

Đã 4 năm nay, ông Ba vẫn chở người dân và các cháu học sinh vượt sông khi nước dâng cao. Nhìn lên cây cầu đang được xây dựng, ông cũng như bao người dân nơi đây đều chờ đợi từng ngày mong cây cầu sớm hoàn thiện.

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 19.

Ông sắm 2 cái thuyền, khi nước rút thì đánh cá, nước lên cao thì chở người dân qua sông.

Nhiều khi nước cạn, các em nhỏ cũng không thể lội qua sông được vì nền đá cuội dưới sông quanh năm phủ rêu xanh trơn trượt. Lúc này, ông Ba lại cho các cháu lên chiếc thuyền nhỏ để lội suối kéo qua sông. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 20.

Phải chèo thuyền qua khu vực nước không chảy siết mới có thể qua sông.

Vất vả là thế nhưng người dân nơi đây gần như đã quen với cảnh lội suối, vượt sông hàng ngày: "Đi mãi rồi cũng thành quen, đó là con đường duy nhất, có muốn không đi cũng không được. Xách giày dép, kéo ống quần cao lên không thì cởi cả quần dài ra lội qua suối rồi mặc lại là lại bình thường không vấn đề gì", ông Ba cười. 

Chiếc cầu trong mơ của người dân thôn xóm 

Cơ cực là thế, người dân trong xóm chẳng ai than vãn với ai nhưng họ đều có chung một mơ ước ấp ủ bao lâu nay là thôn có một chiếc cầu an toàn bắc qua sông. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 21.

Chiếc cầu đang được xây dựng trong sự trông đợi hàng ngày của người dân thôn Mỏ Trong.

Niềm mơ ước ấy như vỡ òa khi đầu năm 2019, chính quyền địa phương đã cho khởi công xây dựng một chiếc cầu bắc ngang qua con sông phục vụ người dân thôn xóm. 

Chệnh choạng lội qua con suối, ông Vũ Đình Nghĩa (61 tuổi, người dân xóm Mỏ Trong) ngước nhìn lên cây cầu rồi nhoẻn miệng cười: "Chắc cũng sắp xong rồi đấy các chú ạ, cầu này xây xong là không ai phải lội suối nữa cả". 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 22.

Chiếc cầu đang được hoàn thiện từng ngày.

Không chỉ có ông Nghĩa mà bao nhiêu người dân hằng ngày đi lại qua sông đều dừng lại ngước lên nhìn cây cầu sắp hoàn thiện với khuôn mặt sáng bừng. Nhiều người dân vẫn nhìn nhau rồi vô thức mỉm cười thốt lên: "cầu đẹp".

Với người dân nơi đây, cây cầu không chỉ đẹp bởi vẻ bề ngoài mà "đẹp" vì những điều nó mang lại. Đó là khi cầu xây xong, người già không còn phải lội suối, trẻ em không còn phải ngồi trên những chiếc thuyền bấp bênh trôi lờ trên mặt nước cuồn cuộn phía dưới nữa. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 23.

Dụ kiến đến cuối năm 2019 chiếc cầu sẽ được hoàn thiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Ước, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, cây cầu bắc qua thôn Mỏ Trong được xây dựng từ nguồn vốn nhà nước đầu tư. 

"Dự kiến đến cuối năm 2019, cây cầu sẽ được hoàn thiện để giúp người dân nơi đây đi lại an toàn", vị Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết. 

Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 24.
 
Về vùng cao Bắc Giang nhìn người dân quanh năm vượt sông, lội suối để ra khỏi “lũy tre làng” - Ảnh 25.

Trong thời gian đợi chiếc cầu xây xong, cái thuyền nhỏ chòng chành của ông Ba vẫn là phương tiện duy nhất giúp người dân vượt sông mỗi khi nước lớn. Đặc biệt là các em học sinh sắp bước vào năm học mới.

Trong lúc chờ đợi cây cầu xây xong, người dân thôn Mỏ vẫn hàng ngày phải lội qua sông đi lại. Năm học mới sắp bắt đầu, các em học sinh thôn Mỏ Trong cũng đang rất háo hức đón chào năm học mới. 

Chẳng có đầy đủ đồ dùng mới để đi học nhưng các em nhỏ nơi đây vẫn háo hức đến trường hơn bao giờ hết. Mùa đông giá buốt đang đến gần, các em vui vì có thể sẽ không phải lội qua con sông buốt giá khi đến trường.