Thương vụ 500 triệu USD, lãi 5.000 tỷ: Ngả mũ với ông Nguyễn Đăng Quang
Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) của chủ tịch Nguyễn Đăng Quang vừa thông qua phương án bán toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của công ty.
Theo đó, công ty bán gần 110 triệu cổ phiếu quỹ hiện đang nắm giữ. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2018 sau khi được UBCK thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo bán cổ phiếu quỹ của công ty. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Vùng giá dự kiến khoảng 100.000 đồng/cp.
Ông Nguyễn Đăng Quang là người được ủy quyền lựa chọn đối tượng nhà đầu tư và không nhất thiết phải là cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu quỹ bán ra không bị hạn chế chuyển nhượng, trừ khi nhà đầu tư có thỏa thuận riêng với công ty. Chứng khoán Bản Việt được chỉ định làm đại lý thực hiện việc bán cổ phiếu quỹ MSN.
Với những thông tin như trên, nhiều khả năng Masan của ông Nguyễn Đăng Quang sẽ bán thỏa thuận cho một đối tác thông qua CTCK Bản Việt.
Trước đó, hồi cuối 2017, Masan đã mua vào 100,66 triệu cổ phiếu quỹ nâng lượng cổ phiếu quỹ nắm giữ lên mức gần 110 triệu cổ phiếu quỹ như hiện nay. Mức giá bình quân mua vào khi đó chỉ khoảng 58.000 đồng/cp, với tổng giá trị khoảng 5,9 ngàn tỷ đồng.
Theo báo cáo hợp nhất quý 2/2018, Masan ghi nhận giá trị số cổ phiếu quỹ nói trên ở mức hơn 6,5 ngàn tỷ đồng. Do vậy, nếu bán thành công ở mức giá dự kiến 100.000 đồng/cp, Masan sẽ có chênh lệch khoảng 4,5 ngàn tỷ đồng.
Theo Masan, mục đích của việc bán cổ phiếu quỹ đợt này nhằm bảo đảm huy động vốn một cách linh hoạt, tối ưu hóa bảng cân đối tài chính của công ty và tăng trưởng lợi nhuận.
Hiện tại, cổ phiếu MSN có giá 92.600 đồng/cp.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Masan bất ngờ đạt hơn 3,4 ngàn tỷ đồng tăng 560% so với cùng kỳ 2017 nhờ doanh thu thuần Masan Consumer Holdings tăng 36,9%, doanh thu từ CTCP Tài nguyên Masan cũng tăng 26,6% và tăng trưởng lợi nhuận từ Techcombank và lợi nhuận từ giả định bán do giảm tỷ lệ lợi ích của Công ty trong Techcombank. Bên cạnh đó, lợi nhuận tăng còn do chi phí bán hàng và chi phí quản lý chung trên doanh thu thuần giảm mạnh.
Chỉ trước đó chưa đầy 1 tháng, các doanh nghiệp của cặp bài trùng số 1 giới tỷ phú Việt Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh cũng đã thực hiện một phi vụ lịch sử. Tỷ phú USD ngầm lần lượt thâu tóm các dự án lớn trong quá trình xây một đế chế đa ngành.
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang đã công bố thông tin về việc CTCP Tài nguyên Masan - Masan Resources (MSR) chi 29 triệu USD (khoảng 680 tỷ đồng) mua lại 49% nhà máy chế biến hóa chất vonfram hàng đầu thế giới Núi Pháo - H.C.Starck từ H.C.Starck. Theo đó, Núi Pháo đã trở thành công ty con do MSR sở hữu 100% vốn.
CTCP Tầm nhìn Ma San hiện đang nắm khoảng 96% cổ phần của Masan Resources (MSR). Trong khi đó, CTCP Tầm nhìn Ma San là công ty con 100% vốn do CTCP Tập đoàn Masan (MSN) nắm giữ.
Như vậy, thương vụ này thực chất là do Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang thực hiện và Tập đoàn Masan đã có công bố thông tin báo cáo UBCKNN và Sở GDCK TP.HCM (HOSE).
Trước đó 1 ngày (14/8), thông tin từ HOSE cho biết, CTCP Chứng khoán Kỹ thương - công ty con 100% vốn đầu tư của Ngân hàng Techcombank đã chi 500 tỷ đồng để mua trái phiếu của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Techcombank là ngân hàng do ông Hồ Hùng Anh làm chủ tịch và Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ 15% cổ phần. Ông Hồ Hùng Anh gắn bó với Masan từ năm 2004 và là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan từ tháng 12/2008 trước khi từ nhiệm vào tháng 4/2018 vừa qua, để tập trung vào Techcombank theo quy định của NHNN.
Cặp đại gia bài trùng này đã giàu lên nhanh chóng khi trở về Việt Nam sau thời gian khởi nghiệp ở Đông Âu và đang dắt tay nhau trở thành những tỷ phú USD Việt. Điểm đáng chú ý là 2 doanh nhân này đều có mối quan hệ gần gũi khi cùng nhau tạo dựng và lãnh đạo Masan và Techcombank và sự thành công giàu có của họ cũng gắn liền với hai DN này.
Vợ chồng đại gia Nguyễn Đăng Quang dù kín tiếng nhưng được xem giàu hơn cả tỷ phú USD, có khối tài sản còn lớn hơn cả tỷ phú USD Việt được Forbes ghi danh gần đây.
Ông Nguyễn Đăng Quang chưa được Forbes công nhận nhưng theo hãng tin tài chính Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đạt 1,2 tỷ USD từ đầu 2018 và là tỷ phú USD thứ 3 Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet.
Theo số liệu trên sàn chứng khoán, là chủ tịch nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn này. Tuy nhiên, thông qua CTCP Masan (Masan Corp) - doanh nghiệp đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang được xem là cổ đông chính của MSN và có khối tài sản nói trên.
Masan Group hiện là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt. Vốn hóa của Masan hiện đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này hiện đang kinh doanh các lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi (Proconco, Anco), hàng tiêu dùng (Omachi, Chinsu, Vinacafe...), khoáng sản (mỏ núi Pháo), ngân hàng (Techcombank)...
Ông Quang khởi nghiệp từ những năm 90 sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga với lĩnh vực sản xuất mỳ gói. Sau này, công việc kinh doanh mở rộng sang cả ngành sản xuất đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2001, ông Nguyễn Đăng Quang chuyển toàn bộ nhà máy về Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm cổ phiếu dầu khí bất ngờ tăng mạnh với hầu hết các gương mặt lướn như GAS, Petrolimex, BSR, OIL, PVD, PVS…
Khối ngoại cũng đang tích cực mua vào, tập trung vào các cổ phiếu chủ chốt như Vietcombank, Vinamilk, GAS, Hòa Phát… Khối ngoại mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy sau phiên bứt phá liền trước. Áp lực chốt lời xuất hiện ở nhiều mã đã tăng mạnh, trong đó có nhóm cổ phiếu ngân hàng.
SHS dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 980-990 điểm (MA10-ngưỡng tâm lý). Nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và quan sát thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9, VN-index tăng 1,95 điểm lên 987,01 điểm; HNX-Index tăng 0,22 điểm lên 111,65 điểm. Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 51,46 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 5,0 ngàn tỷ đồng.
V. Hà - Vietnamnet
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.