Nam sinh khuyết tật nhận suất học bổng toàn phần đại học Mỹ
Đó là những chia sẻ của nam sinh Lê Bá Ninh, học sinh lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) khi kể về hành trình hiện thực hoá ước mơ du học Mỹ.
Hồi đầu tháng 3, Ninh vừa nhận được thông báo trúng tuyển ĐH Soka và là một trong số ít được nhận gói học bổng Global Merit Scholarship trị giá gần 200.000 USD cho 4 năm học, đã bao gồm học phí, sách vở, sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi tiêu cá nhân.
“Đến nay em vẫn không quên được khoảnh khắc mở tài khoản của mình trên website của trường và nhìn thấy dòng chữ Congratulations. Soka là ngôi trường mơ ước của em, cũng là trường em đặt nhiều hy vọng nhiều nhất nên trong suốt khoảnh thời gian đợi kết quả em đã rất lo lắng, hồi hộp. Và khi biết mình không chỉ được nhận vào trường mà còn được chọn là một trong số ít nhận gói học bổng Global Merit, em đã vỡ oà trong vui sướng. Hôm đó thực sự là một ngày vui của cả gia đình em” – Ninh chia sẻ.
Ban đầu, Soka thu hút Ninh đơn giản chỉ vì trường rất hào phóng trong hỗ trợ tài chính, trong khi điều kiện gia đình không thể chu cấp cho em đi du học. Nhưng càng tìm hiểu kỹ, em càng thấy môi trường học tập của trường vô cùng hợp với tính cách, con người mình. Điều đó càng khiến em quyết tâm chinh phục được hội đồng tuyển sinh của trường.
Để hiện thực hoá ước mơ, Ninh đã chứng minh cho Soka thấy khả năng học tập của mình bằng bảng thành tích ấn tượng: SAT 1: 1500/1600, SAT 2: 720/800 môn Lịch sử Mỹ, 790/800 môn Toán 2, IELTS: 8.0.
Ngoài ra, nam sinh xứ Thanh còn xuất sắc giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 12, Huy chương Bạc kỳ thi giao lưu học sinh giỏi giữa các trường chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ môn tiếng Anh năm lớp 10 và 11.
Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nhưng 2 hoạt động mà Ninh thích và dành nhiều thời gian nhất là tham gia CLB tiếng Anh và là người sáng lập, trưởng ban nội dung Ga Lam Sơn – nội san của trường.
“Nếu CLB Tiếng Anh là nơi đầu tiên một đứa học sinh suốt 4 năm cấp 2 chỉ biết học như em được thử sức mình ở các hoạt động ngoại khoá và thu nhặt những kinh nghiệm đầu tiên về kĩ năng mềm, thì nội san trường là cơ hội để em được sống trọn với đam mê viết lách. Điều em tâm đắc nhất là cả hai CLB đều tạo cho em những diễn đàn mở để em bộc lộ bản thân, trao đổi kiến thức, quan điểm và rèn giũa mình”.
Tham gia những hoạt động này, Ninh còn được gặp gỡ với rất nhiều người, mỗi người một cá tính, một câu chuyện khác nhau mà từ họ, bản thân em học được rất nhiều điều, Ninh tâm sự.
“Em may mắn vì vẫn còn một mắt”
Trong bài luận gửi tới Soka, nam sinh 18 tuổi đã chia sẻ câu chuyện đặc biệt của mình.
“Ngày em lên 3 tuổi, vì bị cao giác mạc nên em phải mổ bỏ mắt bên phải và lắp vào đó một con mắt giả thẩm mỹ. Khiếm khuyết ấy đã khiến em luôn mặc cảm về bản thân. Trong bài luận cá nhân, em đã viết về con mắt giả ấy, về hành trình của em từ chỗ tin rằng khiếm khuyết ấy là giới hạn cho tương lai của mình đến chỗ nỗ lực hết sức để chứng minh không chỉ cho mọi người xung quanh mà còn cho chính bản thân mình rằng điều đó là không đúng”.
Từ những trải nghiệm của bản thân, Ninh cũng viết về cái nhìn sai lệch của nhiều người đối với những người khuyết tật như em, về những sự thương hại tưởng chừng vô hại nhưng trên thực tế lại có thể khiến cho việc hoà nhập cộng đồng trở nên khó khăn hơn.
“Em tự thấy bản thân mình là một người may mắn vì vẫn có thể nhìn được và quan trọng nhất là được học hành đến nơi đến chốn - điều mà nhiều người khuyết tật ở nước ta không có, do sự thiếu thốn về cơ sở vật chất trong việc đáp ứng nhu cầu của họ. Ước mơ của em là có thể giúp cho những người khuyết tật tiếp cận được với các cơ hội học tập bình đẳng để tiềm năng của họ không bị phí hoài”.
‘Bất lợi cho em những trải nghiệm’
Ninh cho biết, kế hoạch nộp hồ sơ du học của em bắt đầu muộn nhưng đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều anh chị đi trước |
Ninh cho biết, kế hoạch nộp hồ sơ du học của em bắt đầu khá muộn mặc dù từ nhỏ em đã ấp ủ giấc mơ được vi vu ở chân trời mới. Nhưng mọi thứ đều rất mông lung và bẵng đi một thời gian dài, đến hè năm lớp 11 lên lớp 12, em mới xác định được lối đi cho mình. Người truyền cảm hứng cho em là một cựu học sinh Lam Sơn cũng đang là du học sinh Mỹ.
Chính vì bắt đầu muộn, nên thời gian ôn luyện cho các bài thi chuẩn hoá không nhiều và không có thời gian để thi lại. Tuy nhiên, Ninh biết ơn sự giúp đỡ của những anh chị đi trước đã hướng dẫn và hỗ trợ em nhiệt tình trong suốt quá trình này.
Ninh và những khoảnh khắc vui vẻ cùng bạn bè |
Sự ủng hộ của bố mẹ cũng là điều mà Ninh không quên nhắc đến. “Ở nhà, bố mẹ em thường không can dự vào việc học tập của em nhiều và để cho em tự quyết định hầu hết mọi việc liên quan đến em. Điều đó giúp em có được một tinh thần khá tự lập”.
“Ban đầu, khi biết em định nộp hồ sơ du học Mỹ, bố mẹ em có khuyên nên suy nghĩ lại vì lo rằng đó là một quyết định khá mạo hiểm đối với một học sinh cuối cấp. Tuy vậy, điều tuyệt vời là bố mẹ em đã không quyết liệt cấm cản, mà ngược lại khi thấy được quyết tâm của em, bố mẹ đã chuyển sang ủng hộ em, không bằng lời nói mà bằng những hành động cử chỉ hằng ngày khiến em vô cùng cảm động”.
Không có nhiều lợi thế như các bạn ở thành phố lớn, nhưng Ninh cho rằng, ở đâu cũng có những điểm thuận lợi và bất lợi riêng.
“Sẽ là nói dối nếu nói trong khoảng thời gian chuẩn bị hồ sơ em chưa từng thấy tủi thân vì gia đình không có điều kiện hay ghen tị với các bạn ở thành phố lớn. Tuy vậy, giờ đây nhìn lại, em nhận ra mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó, và chính những điểm mà em đã từng coi là bất lợi lại cho em những trải nghiệm đặc biệt tạo nên con người em bây giờ”.
Ninh chia sẻ, trong thời gian này, em đang học thêm một ngoại ngữ nữa, cũng như tham gia một số khoá học online để chuẩn bị cho môi trường học tập vô cùng mới mẻ sắp tới.
Nguyễn Thảo
Góc Nhìn
Làm đẹp thẩm mỹ giờ đây đã không còn xa lạ với các chị em phụ nữ, vì thế sự ra đời của hàng loạt thương hiệu tựa như một “mâm cỗ” ngon lành đang bày biện trước mặt, lựa chọn là ở các thượng đế mà thôi.