Đại gia buôn máy bay, tên lửa ở làng đồng nát Văn Môn
Đến bây giờ người dân xã Văn Môn cũng không nhớ rõ là ai dắt ai đi buôn đồng nát đầu tiên nhưng chiếc máy bay đầu tiên xuất hiện tại làng thu mua phế liệu Quan Độ có từ khoảng năm 1990. Ngoài một vài chiếc MiG 6 khổng lồ, phần lớn máy bay là loại trực thăng AH 26 và MiG 17, 19.
Theo tiết lộ của một chủ cơ sở thu mua phế liệu, “mổ” xác máy bay chỉ là chuyện nhỏ, làng Quan Độ còn mổ... tên lửa, thiết giáp và cả chiến hạm. Những chiếc máy bay này chủ yếu nhập về từ trong Nam, ở làng luôn có thợ tỏa đi “săn” hàng, nhờ những thứ này mà làng có nhiều người giàu lên trông thấy.
Hiểm họa chực chờ
Những ngày qua, người dân thôn Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong - Bắc Ninh) chưa hết bàng hoàng trước sự việc hai chiếc xe tải chở vật thể lạ nghi bom không rõ nguồn gốc vừa bị công an bắt giữ. Lực lượng chức năng xác nhận số hàng trên đang trên đường vận chuyển về cơ sở phế liệu của bà Nguyễn Thị Toàn nằm trên địa bàn thôn Quan Độ. Điều đáng nói, tại nơi hoạt động của bà Toàn có rất nhiều bình chứa nhiên liệu, vỏ bom, mìn,... được thu mua từ các nơi về.
Nhiều tháng trôi qua, đến nay mỗi khi nhắc lại, người dân địa phương lại rùng mình về vụ nổ 7 tấn đầu đạn xảy ra tại cơ sở phế liệu của ông Nguyễn Văn Tiến. Hai em bé thiệt mạng, nhiều người khác bị thương cùng những ngôi nhà bị đổ sập là những mất mát, đau thương không gì đong đếm được. Làng nghề đồng nát mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình, là kinh tế chủ lực của địa phương nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nỗi lo với những người dân nơi đây...
Chưa hết, Văn Môn còn là làng nghề truyền thống cô đúc nhôm. Ô nhiễm từ khói bụi, từ nguồn nước khi hàng tấn chất độc hại thải ra môi trường đã vắt kiệt sức khỏe của con người hàng chục năm qua. Mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp môi trường đã về khám, kiểm tra sàng lọc sức khỏe cho 400 người dân làng nghề. Tuy kết quả chưa có nhưng số người nhập viện điều trị căn bệnh ung thư ngày càng nhiều, reo rắc nỗi sợ hãi cho bà con.
“Không nói gì xa xôi, chồng tôi cũng mới qua đời năm ngoái do bị ung thư. Bây giờ người chết vì căn bệnh này không còn lạ lẫm đối với dân làng. Cứ 10 người đi khám thì hơn nửa nhận kết quả bị bệnh ung thư rồi bệnh viện trả về. Tuần trước, hai người trong làng cũng vừa nhận được kết quả mắc bệnh ung thư”, bà Nguyễn Thị Dậu (62 tuổi, người dân thôn Quan Độ) tâm sự.
Bà Lê Thị Thùy, một người dân khác trong thôn cho biết: Ở đây, có hàng trăm cơ sở thu mua phế liệu từ dây điện, máy móc đến đầu đạn, vỏ bom, mìn,... Sợ nhất là dầu trong máy biến thế chảy ra gây ô nhiễm. Khi trời mưa, đường làng ngập dầu loang hết trên mặt nước. “Chúng tôi ở đây luôn sống trong nơm nớp, lo sợ. Lo nhỡ đâu những bình phế liệu, vỏ bom, mìn kia phát nổ thì sao? Sợ dầu máy ngấm xuống mạch nước giếng khoan ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngày trước người dân chỉ khoan giếng độ 20 mét để lấy nước dùng, bây giờ nhiều nhà phải đào sâu tận 90 mét mới an tâm”, người phụ nữ 51 tuổi chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV, hai bên đường dẫn vào thôn Quan Độ là những đống rác thải đang chờ được đem đốt cùng nhiều loại phế liệu được chất đống. Một số người dân địa phương tiết lộ, nhiều cơ sở phế liệu thường xuyên mang rác thải công nghiệp ra đổ “chui” xuống dòng sông Ngũ Huyện Khê, gây ô nhiễm đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân địa phương.
Điển hình là trường hợp của ông Nghiêm Văn Hùng - Người vừa bất lực buông xuôi mô hình VAC mà ông tâm huyết đầu tư. Lý do dễ nhận thấy bởi ao cá của ông bị bủa vây bởi những bãi rác tự phát. “Mỗi ngày, lượng rác thải công nghiệp được người ta mang đến đây đổ chật kín. Có người còn thiếu ý thức đổ tràn xuống ao khiến cá chết nổi trắng mặt nước”, ông Hùng chua chát.
Ông Đặng Văn Giang - Trưởng thôn Quan Độ thừa nhận tình trạng ô nhiễm như người dân phản ánh. Theo lời ông Giang, ban đầu cán bộ đến từng cơ sở kinh doanh tuyên truyền về xử lý rác thải công nghiệp để không ảnh hưởng đến môi trường. Dù vậy, số gia đình làm nghề ngày càng tăng khiến tình trạng ô nhiễm thêm nghiêm trọng.
“Thực tế bãi rác của thôn chỉ cho phép các hộ gia đình đổ rác sinh hoạt hàng ngày, nhưng có rất nhiều cơ sở thu mua phê liệu cố tình đổ cả rác thải công nghiệp làm cho bãi rác quá tải. Chưa kể, các chất liệu nhựa, cao su bị đốt bốc khói đen nghi ngút cùng mùi vô cùng khó chịu”, Trưởng thôn Quan Độ nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kính, một chủ cơ sở tái chế nhôm ở thôn Mẫn Xá, dù biết độc hại nhưng không thể bỏ nghề. |
“Vì miếng cơm manh áo nên chúng tôi chấp nhận”(?)
Từ đầu thế kỷ XX, Văn Môn đã bắt đầu có nghề cô đúc nhôm, sau đó người dân đi khắp nơi thu gom phế liệu từ “thượng vàng hạ cám” về kinh doanh buôn bán và trở thành làng nghề truyền thống ở huyện Yên Phong. Toàn xã có 3.000 hộ, trong đó 80% là hộ kinh doanh, buôn bán.
Sau vụ nổ tháng 1/2018, công an xã tuần tra phát hiện 5 đầu đạn pháo dài 58cm x đường kính 15,7cm. Qua kêu gọi, một số cơ sở đã giao nộp gần 10kg đạn; 2 quả lựu đạn còn nguyên kíp nổ… Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng cháy chữa cháy ở Văn Môn trở nên nóng hơn bao giờ hết bởi ngay cả chính quyền xã cũng không dám khẳng định 100% người dân địa phương không thu thập đầu đạn, chất cháy nổ về kinh doanh.
Tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn có hàng trăm hộ dân làm công việc tái chế nhôm. Đi sâu vào làng, các phế liệu như vỏ lon, khung cửa… nằm la liệt khắp sân nhà trước khi được đưa vào lò nung nóng. Vào giờ cao điểm, những cột khói đen xám xịt bốc cuốn ngùn ngụt bao trùm cả ngôi làng. Được biết, một cơ sở buôn bán than có tiếng trong làng mỗi ngày cung ứng số lượng lớn than cho tất cả các lò nung nấu nhôm.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kính (chủ cơ sở tái chế nhôm ở làng Mẫn Xá) tâm sự: “Mỗi ngày gia đình tôi tái chế từ 5 đến 10 tấn bột nhôm để cho ra thành phẩm miếng nhôm cô đặc. Vào những ngày nắng thì loại bột này bụi bẩn còn vào những ngày mưa thì bốc mùi hắc khó chịu. Loại bụi nhôm này khi gặp nước sẽ phản ứng, bốc lên sộc thẳng vào mũi, thậm chí có người bị chảy máu cam. Biết là làm nghề này rất độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nhà tôi theo mấy chục năm nay rồi. Cũng vì miếng cơm manh áo nên chúng tôi phải chấp nhận thôi”.
Một số hộ kinh doanh khác cho biết, dù biết không khí bị ô nhiễm từ làng nghề nhưng họ không đành lòng buông bỏ cái nghề đã gắn bó với cả làng suốt hơn 70 năm nay. “Không chỉ có người làng mà còn có cả trăm người từ nơi khác về đây lập nghiệp. Có những người còn tận trong Cà Mau, Đồng Tháp đến đây làm giàu cũng nhờ nghề này”, một chủ cơ sở nói.
Ông Nguyễn Hoàng Gia - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn, thừa nhận mức độ ô nhiễm tại hai thôn Quan Độ và Mẫn Xá rất nghiêm trọng. “Hiện tại, trên địa bàn xã có trên 500 hộ kinh doanh cô đúc nhôm và thu mua phế liệu nên việc quản lí rác thải công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tình trạng trên, địa phương đang tiến hành xây dựng dự án cụm công nghiệp với diện tích 30 ha, trong đó có 5 ha là dành riêng để xây dựng khu xử lí rác thải. Sau khi hoàn thành cụm công nghiệp các hộ dân kinh doanh cô đúc nhôm sẽ được thuê đất với chủ đầu tư để tiến hành sản xuất”, ông Gia cho hay.
Ông Nghiêm Đình Nhập - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Phong cũng cho biết: “Mới đây, Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn đã về địa phương khảo sát, đánh giá về tình trạng ô nhiễm trên địa bàn xã Văn Môn. Chúng tôi cho rằng khi nào dự án xây dụng cụm công nghiệp hoàn thành thì tình trạng này mới được giải quyết dứt điểm”.
(Theo báo Gia đình & Xã hội)
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.